Spam là gì? Các hình thức spam? Cách hạn chế spam
Spam là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc gửi các nội dung không mong muốn đặc biệt là quảng cáo tới một lượng lớn người dùng
Spam là gì? Các hình thức spam? Cách hạn chế spam
Mục lục nội dung bài viết
1. Spam là gì
2. Spam để làm gì
2.1. Spam để quảng cáo
2.2. Spam với mục đích lừa đảo
2.3. Spam để vui đùa
3. Các hình thức spam
4. Cách chặn spam
1. Spam là gì?
Spam là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc gửi các nội dung không mong muốn đặc biệt là quảng cáo tới một lượng lớn người dùng. Ở một nghĩa rộng hơn, spam thường ám chỉ việc đưa ra những thông tin không có ý nghĩa với số lượng nhiều. Hành vi phát tán spam được gọi là spamming. Người thực hiện hành vi spam được gọi là spammer.
2. Spam để làm gì
Spam thường được sử dụng để phục vụ các mục đích như quảng cáo, phát tán virus lấy trộm thông tin, hay chỉ với mục đích trêu đùa
2.1. Spam phục vụ quảng cáo
Một công ty hay một cửa hàng có thể gửi email tới một lượng lớn người dùng để quảng bá cho một chương trình giảm giá của mình. Một người bán SIM có thể gửi một lượng lớn tin nhắn tới các số điện thoại để quảng cáo bán sim số đẹp….
Về cơ bản spam với mục đích quảng cáo thường chỉ gây bực bội đối với người nhận vì gây mất tập trung, mất thời gian để nhận, đọc và xóa những tin được gửi đến mà không mong muốn.
2.2. Spam với mục đích lừa đảo
Có khá nhiều cách thức spam với các mục đích xấu như lừa đảo, lấy trộm thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng từ đó phục vụ cho việc lấy trộm tiền. Một kịch bản thường thấy đối với spam lừa đảo qua email là những thư điện tử gửi đến người dùng với thông báo trúng giải độc đắc, hay nhận được một phần tiền thừa kế. Để hoàn thiện thủ tục nhận cần nộp một số tiền nhất định và người dùng sẽ bị lừa mất số tiền phải nộp đó mà không hề nhận được gì. Kịch bản này cũng từng được thực hiện qua việc spam tin nhắn trong các ứng dụng nhắn tin.
2.3. Spam để vui đùa
Spam để vui đùa thường gặp rất nhiều trong các group như Facebook Group. Một trong những kiểu spam này là rất nhiều người trong group cùng comment những nội dung vô nghĩa như chấm, hóng…làm ảnh hưởng đến các comment hữu ích. Một trò đùa khác cũng tượng tự là điểm danh. Người dùng sẽ comment những con số liên tục dưới một bài viết theo dạng điểm danh và một lượng lớn người dùng làm như vậy sẽ ảnh hưởng tới những người dùng khác trong việc tiếp cận thông tin hữu ích.
3. Các hình thức spam
Có rất nhiều hình thức spam tùy thuộc vào cách thức hay các kênh trao đổi giữa những người dùng với nhau. Có thể liệt kê một số hình thức spam như sau:
- Spam qua email: là hình thức gửi thông tin đồng loạt qua email với mục đích quảng cáo, phát tán virus, lừa đảo…
- Spam qua ứng dụng nhắn tin: Các ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger, Viber, Zalo, …đều có thể được sử dụng để gửi tin nhắn không mong muốn đến hàng loạt người dùng.
- Spam qua điện thoại: Các tin nhắn ngắn SMS được gửi tới người dùng với mục đích quảng cáo bất động sản, bán sim, mua sim thường là các tin nhắn spam. Một hình thức khác là gọi điện thoại tới người dùng để quảng cáo bất động sản, bảo hiểm, …
- Spam qua các kênh mạng xã hội: Spam bằng cách comment liên tục một nội dung ở nhiều group, nhiều fanpage. Một hình thức spam khác trên Facebook là tag một lượng lớn người dùng vào bài viết quảng cáo của mình
- Spam trên website, forum: Post bài liên tục lên các forum với nội dung quảng cáo hay comment quảng cáo vô tội vạ trên các website cho phép để lại comment.
- Spam trên các game online: Các game online thường có chat room để người dùng trao đổi, chat room chung cho cả server được người chơi lợi dụng để gửi liên tục tin lừa đảo hoặc tin quảng cáo tới những người khác.
4. Cách chặn spam như thế nào
Thông thường các nhà cung cấp dịch vụ đã trang bị những hệ thống lọc spam để loại bỏ những nội dung không mong muốn gửi đến người dùng ví dụ những email bị nghi ngờ spam sẽ tự động được chuyển vào hộp thư spam mail hay bulk mail thay vì inbox như thông thường. Mạng xã hội Facebook cũng có những cơ chế kiểm soát và ngăn chặn nếu người dùng comment những nội dung spam liên tục. Để hạn chế spam, người dùng có thể thực hiện một số hành động sau
- Báo cáo spam khi nhận được những nội dung mà mình không mong muốn. Các kênh email hay mạng xã hội đều cho phép người dùng báo cáo spam. Thông thường chỉ cần click chuột phải vào nội dung cần báo cáo và chọn mục báo cáo spam
- Bật chế độ không nhận tin nhắn từ người lạ đối với các ứng dụng gửi tin nhắn như zalo, viber…
- Kiểm soát chế độ đăng bài lên tường nhà đối với các mạng xã hội, bật chế độ duyệt tag nếu chưa được đồng ý.
- Đối với spam tin nhắn ngắn vào số điện thoại có thể gọi số tổng đài để báo cáo cho các nhà mạng, hoặc báo cáo vào các kênh do chính phủ cung cấp. Tại Việt Nam người dùng có thể chuyển tiếp tin nhắn ngắn đó đến đầu số 456 do Bộ TTTT cung cấp.
-